Hiện trạng vùng ven sông Sài Gòn trong đề án đại lộ 64 km

Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM đang hoàn thiện đề án quy hoạch chung phát triển kinh tế dọc sông Sài Gòn, trong đó có con đường ven sông nối từ quận 1 đến huyện Củ Chi.

Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình chỉ đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc mời chuyên gia, nhà khoa học, kiến trúc sư giàu kinh nghiệm góp sức hoàn thành đề án quy hoạch phát triển kinh tế dịch vụ dọc sông Sài Gòn trong năm 2022. Trong ảnh là cầu Bến Súc (huyện Củ Chi) điểm đầu tiên của dự án đại lộ ven sông Sài Gòn.

Theo thiết kế ban đầu được Tập đoàn Tuần Châu đề xuất với UBND TP.HCM vào năm 2017, tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn có chiều dài khoảng 64 km bao gồm 9,5 km ở khu vực nội thành quy mô 4 làn xe, 54 km khu vực ngoại thành quy mô 6 làn xe.

Tuyến đại lộ này được nối từ cầu Bến Súc (huyện Củ Chi) dọc theo sông Sài Gòn đến điểm cuối là ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (quận 1). 

Dự án đi qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12. Đây là khu vực ngoại thành, chủ yếu đất nông nghiệp và đất bồi ven sông, thưa thớt nhà dân, cơ sở hạ tầng khác. Do đó, việc đầu tư xây dựng một tuyến đại lộ ven sông qua khu vực trên sẽ giúp tiết kiệm chi phí và nhanh hơn rất nhiều so với việc giải phóng mặt bằng để xây đường trong khu vực nội thành.

Khi làm tuyến đại lộ này, chủ đầu tư có thể kết hợp chỉnh trang, khai thác quỹ đất hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn rộng đến 50 m vào việc xây dựng tiện ích phục vụ người dân như công viên, bến du thuyền, hoạt động thể dục thể thao dưới nước, lối đi bộ, nhà hàng, trung tâm triển lãm, nhà hát, nhà văn hóa... Trong ảnh là khu di tích lịch sử Địa đạo Bến Đình Củ Chi, nơi tuyến đường ven sông Sài Gòn dự kiến chạy ngang qua.

Với tốc độ di chuyển 100 km/h, khi dự án hoàn thành, người dân tại trung tâm TP.HCM chỉ mất khoảng 35-40 phút đi từ huyện Củ Chi về quận 1 (hiện nay mất khoảng 90 phút).

Ngoài rút ngắn thời gian đi lại, thuyết minh dự án tuyến đại lộ này khi hoàn thành nêu việc khai thác được khoảng 15.000 ha đất hoang hóa tại Củ Chi; đồng thời, thúc đẩy phát triển vùng đất đầy tiềm năng ở khu tây bắc TP.HCM, giúp giãn hơn một triệu dân từ vùng trũng hay bị ngập lên một vùng đất cao hơn, hình thành các khu đô thị mới hiện đại trong tương lai.

Tại khu vực nội thành, chủ đầu tư đề nghị xây dựng đường ven sông Sài Gòn, chui dưới các cầu Thủ Thiêm, Sài Gòn rồi đi vượt lên trên cầu Thanh Đa để tiếp tục chạy theo kênh Thanh Đa, qua cầu Bình Triệu và đáp xuống cù lao ở khu vực công ty Vissan. Đường đi theo ven sông Sài Gòn và chui dưới cầu Bình Lợi rồi mới giao cắt khác mức với cầu đường sắt Bình Lợi cho đến sông Vàm Thuật. Đoạn này dài hơn 9,5 km với 4 làn xe.

Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, đại lộ trên khi hoàn thành sẽ hình thành một trục giao thông chính, kết nối với hệ thống giao thông hiện hữu tại Hàm Nghi (quận 1), cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh), kết nối với đường Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thái Sơn, Phạm Huy Thông, Nguyễn Văn Lượng... của quận 12 và quận Bình Thạnh giúp việc di chuyển đến quốc lộ 13, quốc lộ 1, quốc lộ 22 thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, sau nhiều năm điều chỉnh quy hoạch, dự án đường ven sông Sài Gòn đoạn chạy qua trung tâm thành phố chưa thể triển khai và mới được tái khởi động gần đây. Theo quan sát, hiện tại quỹ đất để phát triển dự án này rất hạn hẹp. Trong ảnh là dự án đường ven sông Sài Gòn đoạn chạy qua hạ nguồn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc quận 1 và Bình Thạnh đang thi công nhà ga metro.

Nhiều đoạn sông chảy qua quận 1, Bình Thạnh vẫn hiện hữu các công trình thể thao, trụ sở văn phòng, bến du thuyền... nằm sát mép sông. Theo các quyết định của UBND TP.HCM về quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh, rạch, mương và hồ công cộng thuộc địa bàn thành phố thì sông Sài Gòn là sông cấp 2, hành lang bờ sông rộng 50 m.

Người dân xây dựng nhà cửa sát mép sông Sài Gòn đoạn đi qua bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu trong năm 2022 phải hoàn thành đề án quy hoạch chung phát triển kinh tế dịch vụ dọc sông Sài Gòn, để có con đường chạy dọc sông này từ quận 1 đến huyện Củ Chi. Nói về việc này, kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn (Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM) cho rằng đây là câu chuyện dài hơi, đòi hỏi nguồn lực lớn vì có hàng trăm đồ án quy hoạch dọc sông này cần điều chỉnh.