Tây bắc TP.HCM tăng đất ở, điều chỉnh quy hoạch... đón làn sóng đầu tư
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự kiến tham dự, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị vào ngày 12-4.
Tăng đất ở, điều chỉnh quy hoạch
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quyết Thắng - bí thư huyện ủy Củ Chi - cho biết huyện đang trong giai đoạn nâng chất các điều kiện quy hoạch, cơ sở hạ tầng giao thông với 2.107 tuyến đường, 213 tuyến hẻm với tổng chiều dài 1.434km.
Theo ông Thắng, huyện Củ Chi đã được TP bố trí quy hoạch nhiều dự án công trình hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế nông nghiệp...
Trong đó có dự án 10 phân khu ven sông Sài Gòn là khu nông nghiệp, du lịch sinh thái, sinh hoạt dã ngoại, nghỉ dưỡng và là khu dân cư nông thôn kết hợp sản xuất kinh tế nhà vườn.
Củ Chi cũng mời gọi đầu tư dự án công viên Sài Gòn Safari với 456ha, dự án khu trung tâm thương mại với tổng diện tích 12ha nằm cạnh bến xe Củ Chi, dự án Khu công nghiệp Bàu Trăn 75ha, dự án Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi phần mở rộng với 173ha...
UBND TP cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 cho dự án sân golf kết hợp với vui chơi giải trí.
Theo ông Thắng, huyện có nhiều dự án phát huy lợi thế sông Sài Gòn như đầu tư cảng cạn 15ha tại xã Bình Mỹ, dự án khu công nghiệp kỹ thuật cao, cảng sông và logistics 420ha... "Những dự án trên sẽ giúp Củ Chi nhanh chóng thành TP trong thời gian ngắn nhất...", ông Thắng nói.
Còn theo ông Trần Văn Khuyên - bí thư huyện ủy Hóc Môn, huyện được bao bọc bởi sông Sài Gòn từ đông sang tây, là điều kiện để phát triển đô thị sinh thái.
Tuy nhiên, quy hoạch hiện nay đã quá lâu, từ năm 2010. "Cần phải điều chỉnh và bổ sung quy hoạch Hóc Môn vào quy hoạch đô thị TP. Tháo cái này ra sẽ tháo toàn bộ những thứ khác", ông Khuyên nói.
Cần tạo động lực mới
Đánh giá về tiềm năng của các huyện phía tây bắc TP.HCM, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho biết từ trước đến nay TP phát triển mạnh hướng đông và nam, trong khi hai huyện phía tây bắc là Củ Chi và Hóc Môn bị "ngủ quên" một thời gian dài.
Theo ông Ngân, hai huyện có tổng diện tích bằng 1/4 diện tích TP, ít chịu tác động của biến đổi khí hậu... nên đây là những điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút đầu tư khoảng 55 dự án với số vốn khoảng 12,5 tỉ USD.
Để kéo được nhà đầu tư về vùng này, ông Ngân cho rằng điều quan trọng là phải đầu tư hạ tầng để kết nối trung tâm TP.HCM đối với hai huyện này thông qua việc mở rộng quốc lộ 22, xây dựng các đường vành đai.
Đặc biệt, xây dựng đường ven sông Sài Gòn đi lên Củ Chi, kết nối với đường vành đai 3, kết nối với các tỉnh lân cận và đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài... sẽ là những động lực mới để thu hút đầu tư.