Nên có bảo hiểm rủi ro cho người mua nhà hình thành trong tương lai?

Khách hàng là bên "nắm đằng chuôi" trong các giao dịch mua bán nhà đất, đặc biệt là nhà ở hình thành trong tương lai. Do đó, HoREA cho rằng nên có quy định bảo hiểm rủi ro cho người mua nhà trên giấy thông qua nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm.

HoREA (Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đưa ý kiến góp ý Dự thảo 5 Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Cơ quan này đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định bảo hiểm nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng trong trường hợp chủ đầu tư chậm bàn giao nhà.  Bảo hiểm này áp dụng với hoạt động bán nhà hình thành trong tương lai hay còn gọi là "bán nhà trên giấy".

Theo quan điểm của HoREA từ thực tiễn thị trường, những người mua nhà để ở, hoặc nhà đầu tư nhỏ lẻ là nhóm khách hàng yếu thế trong các giao dịch nhà đất. Lợi thế thường nằm trong tay chủ đầu tư các dự án bất động sản, tuy nhiên nghĩa vụ trong hợp đồng chưa tương xứng.

Mua nhà trên giấyHình thức mua nhà trên giấy có nhiều rủi ro cho bên mua, thuê mua bất động sản. Ảnh minh họa

Về chính sách, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cũng đã có quy định về việc bảo lãnh ngân hàng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người mua bất động sản trên giấy. Quy định nêu rõ, dự án nhà ở trên giấy phải được ngân hàng thương mại thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính thì chủ đầu tư dự án đó mới được bán, cho thuê mua. Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết với khách hàng, ngân hàng sẽ bồi thường cho người mua theo cam kết trong hợp đồng.

Mặc dù vậy theo HoREA việc bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng trên thực tế vẫn chưa đạt hiệu quả mong đợi, cũng như chưa đủ sức bảo vệ quyền lợi của người mua nhà trên giấy. Hơn nữa, khi thực hiện bảo lãnh ngân hàng, chủ đầu tư bị giảm nguồn vốn tín dụng có thể được vay. 

Đồng thời, để có được bảo lãnh ngân hàng, chủ đầu tư phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó có việc ký quỹ hoặc thế chấp tài sản theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015. Còn nếu thực hiện cơ chế bảo hiểm rủi ro cho bên mua, thuê mua bất động sản trên giấy, chủ đầu tư chỉ phải trả phí bảo hiểm cho bên bảo hiểm theo hợp đồng thỏa thuận.

Theo HoREA, biện pháp bảo hiểm rủi ro cho khách hàng mua, thuê mua nhà hình thành trong tương lai là cần thiết, giúp bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho nhóm khách hàng yếu thế. Biện pháp này được thực hiện bởi các doanh nghiệp bảo hiểm, thực hiện ngoài hệ thống tổ chức tín dụng, theo phương thức xã hội hóa cũng giúp giảm tải, giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng.