Thị trường BĐS "nóng" nhờ chiến lược dài hơi của các ông lớn BĐS

Sở hữu loạt quỹ đất quy mô trong tay, nhiều ông lớn BĐS tham vọng có hàng chục ngàn sản phẩm tung ra thị trường trong thời gian tới. Trong đó, có một số doanh nghiệp triển khai thần tốc quỹ đất tại các thị trường tỉnh lân cận Sài Gòn, kì vọng đột phá về doanh thu trong năm 202.

Chia sẻ tại buổi làm việc mới đây, đại diện Tập đoàn Novaland cho hay, mở rộng quỹ đất và địa bàn hoạt động là chiến lược xuyên suốt, dài hơi của doanh nghiệp trong thời gian tới. Với quỹ đất hiện có, Novaland có thể phát triển dự án gối đầu trong vòng 10-15 năm.

Theo đó doanh nghiệp đặt mục tiêu giới thiệu ra thị trường 100.000 sản phẩm trong giai đoạn 2021-2025 với tổng giá trị dự kiến là 600.000 tỷ đồng. Loạt quỹ đất tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Huế, Phú Yên… sẽ ưu tiên phát triển các dự án BĐS đô thị và đô thị du lịch. Riêng trong năm 2022, Novaland tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư và phát triển dự án tại TP.HCM, tiêu biểu là việc phát triển dự án Grand Sentosa (Nhà Bè) trong tháng 3 vừa qua, đồng thời nghiên cứu một số dự án tại khu vực Thủ Thiêm đang được UBND TP.HCM kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, dự kiến sẽ giới thiệu khoảng 15.000 sản phẩm, bao gồm các dự án BĐS đô thị du lịch quy mô lớn như NovaWorld Mui Ne (700 ha), NovaWorld Nha Trang (600 ha), NovaWorld Lang Co (280 ha)…

Xu hướng phát triển của các ông lớn BĐS hiện tập trung vào những đô thị có quy mô và nguồn cung lớn.

Tương tự, ông lớn Nam Long Group, doanh nghiệp sở hữu loạt dự án khu đô thị quy mô từ khu vực Nam Sài Gòn đến khu Tây và khu Đông cũng có những tham vọng đột phá trong thời gian tới. Chiến lược và tầm nhìn đến 2030 của doanh nghiệp này là trở thành công ty BĐS tích hợp, sáng tạo hàng đầu tại Việt Nam và khu vực.

Cụ thể, ở cấp độ dự án tập đoàn đã bắt tay hợp tác cùng Hankyu Realty – Nhật Bản phát triển khu đô thị Izumi 170 hecta, hợp tác cùng Nishitetsu phát triển khu đô thị Nam Long – Đại Phước 45hecta. Tập đoàn cũng đã mua thêm quỹ đất mới Nam Long – An Đồng- PG Hải Phòng. Bên cạnh đó, công ty cũng tiếp tục theo đuổi dòng sản phẩm giá “vừa túi tiền” EHome tại các tỉnh thành khác như Cần Thơ, Long An, Hải Phòng để có thể đem đến cơ hội sở hữu nhà ở dễ dàng hơn cho người dân. Trong năm qua, 200 căn hộ thương mại EHome Southgate đã trở thành những căn hộ đầu tiên của tỉnh Long An được đón nhận mạnh mẽ, mở ra thị trường tiềm năng mới cho tập đoàn.

Ở góc độ quản trị, Nam Long đã công bố tầm nhìn mới trong giai đoạn 2021-2030 sẽ là bước mở rộng core business của Nam Long từ một chủ đầu tư tập trung vào BĐS vừa túi tiền mở rộng thành nhà phát triển các dự án phức hợp, đại đô thị tích hợp có quy mô hàng trăm hecta nằm tại các khu vực kinh tế trọng điểm. Được biết, hiện ông lớn này đang sở hữu quỹ đất sạch 681ha tại những vị trí tốt, sẵn sàng phát triển cũng như đảm bảo cho kế hoạch phát triển 10 năm tới. Nam Long đã phát triển thành công các đô thị theo mô hình tích hợp "modern township" của quốc tế như Waterpoint, Mizuki Park, Izumi City, Cần thơ II Central Lake với đa dạng phân khúc từ trung đến cao cấp.

Một "ông lớn" khác trong ngành BĐS là Hưng Thịnh cho biết đang sở hữu quỹ đất phát triển lên tới 4.500 ha, phân bổ khắp nhiều tỉnh, thành phố, như TP.HCM, Hà Nội, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu. Đại diện Hưng Thịnh Land cho biết, nắm trong tay quỹ đất này, doanh nghiệp có thể đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững trong 10 năm tới. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng thêm quỹ đất trong năm 2022 và các năm tới, đón đầu sự phát triển của cơ sở hạ tầng tại nhiều tỉnh thành để đa dạng hóa rổ hàng và bắt kịp các đối thủ.

Trọng tâm phát triển của nhiều doanh nghiệp BĐS trong các năm tới đây sẽ là dòng sản phẩm dành cho người mua ở thực.

Tập đoàn An Gia là một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực nhà đất đã và đang thể hiện tham vọng lớn trong cuộc đua mở rộng quỹ đất. Cụ thể, đại gia nhà đất đến từ TP.HCM kỳ vọng doanh thu giai đoạn 2022 - 2024 tăng gấp đôi, đạt 32.500 tỷ đồng, và đặt mục tiêu M&A thành công 5 dự án/năm. Trong giai đoạn 2022 - 2024, công ty dự kiến đưa ra thị trường khoảng 11.400 sản phẩm với doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD. Năm 2022, An Gia sẽ bàn giao sản phẩm tại dự án The Standard (Bình Dương) và The Sóng (TP. Vũng Tàu), ra mắt dự án mới – The Gió (Bình Dương) với khoảng hơn 3.000 căn hộ. Ngoài ra, công ty dự kiến sẽ tiếp tục triển khai một loạt các dự án ở TP HCM và các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An… với trọng tâm là các sản phẩm nhà ở (căn hộ, khu phức hợp) trong phân khúc trung khá, phục vụ nhu cầu nhà ở thực. 

Ngoài ra, những cái tên như Danh Khôi, LDG, Masterise Group, DRH… cũng không đứng ngoài cuộc chơi săn quỹ đất, gối đầu cho loạt dự án quy mô.

Ông Nguyễn Quốc Anh nhìn nhận, chính sách nới lỏng tín dụng, đẩy nhanh thủ tục pháp lý của các dự án và sự phát triển của nền kinh tế, kinh tế vĩ mô đang là động lực thúc đẩy nguồn cung và giao dịch thị trường BĐS sôi động hơn. Với sự bùng nổ nguồn cung mới được đánh giá cao cả về quy mô và chất lượng sản phẩm, tiềm năng của thị trường Việt Nam đang được các tổ chức quốc tế và đơn vị đầu tư trên thế giới quan tâm. Chính phủ đã có các động thái quyết liệt hơn để đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nền kinh tế hồi phục. Việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng được đánh giá là có tác động trực tiếp tới thị trường BĐS và sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của thị trường bất động sản trong các năm tới.