Cuối tháng 7, TP.HCM chỉ đạo các địa phương tạm dừng xét nghiệm diện rộng. Riêng Củ Chi khi ấy xin được áp dụng cơ chế riêng, tiếp tục xét nghiệm trên tất cả vùng nguy cơ để bóc tách F0 khỏi cộng đồng. Đi đôi với đề xuất này, huyện hứa với thành phố sẽ kiểm soát được dịch cuối tháng 8.
Đánh giá tình hình tại huyện khác phần còn lại của thành phố, suốt 3 tháng qua, Củ Chi vẫn tập trung áp dụng chiến lược điều tra, truy vết, khoanh vùng và tối thiểu hóa các trường hợp F0 cách ly tại nhà. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhiều lần biểu dương những quyết định “xé rào” của Củ Chi trong các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là phương châm “không coi F0 là người bệnh”.
Thời gian qua, quê hương “đất thép thành đồng” đã có nhiều sáng kiến để sớm vượt qua đại dịch, từng bước trở lại “bình thường mới”. Chúng tôi ghi nhận lại quá trình kiểm soát dịch bệnh của địa phương này qua lời kể của Chủ tịch huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền (42 tuổi).
Xin cơ chế riêng để được xét nghiệm
Ngày 29/4, Củ Chi phát hiện ca nhiễm đầu tiên trong đợt bùng phát dịch thứ 4. Sau đó, huyện lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng. Giai đoạn căng thẳng nhất là cuối tháng 7, khi đó, lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo dừng xét nghiệm diện rộng.
Quan điểm của Củ Chi là không muốn để F0 trong cộng đồng bởi địa bàn rất rộng lớn mà điều kiện y tế lại không được đảm bảo. Nếu không may F0 chuyển nặng, cần cấp cứu tại nhà, lực lượng y tế sẽ không đáp ứng kịp. Do đó, mong muốn của Củ Chi là phải truy tìm F0, đưa ra khỏi cộng đồng để chăm sóc tốt nhất về thể chất, tinh thần nhằm giảm số ca chuyển nặng.
Tôi đánh giá so với các quận/huyện khác, tình hình Củ Chi lúc đó dịch chưa ngấm sâu. Tỷ lệ ca bệnh còn thấp, chỉ khoảng 2.200 ca. Huyện vẫn quyết tâm tiếp cận theo hướng bóc tách tới đâu thì truy vết tới đó nên nắm rất rõ số ca nhiễm của huyện.
Ngày 27/7, thành phố chỉ đạo dừng xét nghiệm diện rộng, huyện quyết định phải xin cơ chế riêng.
Tôi nhắn tin cho nhiều lãnh đạo thành phố, “năn nỉ” để Củ Chi được tiếp tục xét nghiệm đại trà. Đồng thời, huyện cũng hứa đến cuối tháng 8 sẽ kiểm soát được dịch, giữ vững vùng xanh an toàn cho Củ Chi cũng như làm vùng “hậu cứ” cho thành phố.
Hứa hẹn vậy nhưng rất lo, bởi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, không ai biết sẽ ra sao. Khi đó, huyện đưa ra mốc cuối tháng 8 bởi theo chu kỳ của dịch, huyện tính toán có thể “khóa” được dịch khoảng giữa tháng 8, từ 15/8 đến 31/8 sẽ cố gắng truy vết những trường hợp còn lại.
Được chấp thuận chủ trương, huyện tiếp tục xét nghiệm. Khi đó, quan sát chủng Delta, chúng tôi nhận thấy cứ 2-3 ngày nó sẽ tạo nên một chuỗi lây nhiễm. Do đó, vùng đỏ, cam, vàng, huyện liên tục quét 3 ngày/lần, thậm chí 2 ngày/lần để bóc tách F0; vùng xanh thì 7 ngày/lần. Huyện cứ quét đi quét lại, bóc tách xong F0 thì đưa ra khỏi cộng đồng rồi chốt chặn thật nghiêm khu phong tỏa, cô lập những hộ gia đình có F0.
Huyện chưa bao giờ dừng truy vết. Mình cứ bóc tách F0 khỏi cộng đồng rồi truy vết F1 để thực hiện giải pháp ngăn chặn, cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Huyện Củ Chi có số ca nhiễm không quá nhiều nên làm được vậy, nhưng quan trọng hơn là sự nỗ lực của anh em cơ sở ngày đêm truy vết. Có những phó chủ tịch xã bây giờ làm công tác xét nghiệm còn giỏi hơn lực lượng y tế.
Nhờ vậy, hầu hết F0 được đưa đi cách ly tập trung. Từ đầu mùa dịch tới giờ, huyện chỉ có 30 trường hợp cách ly tại nhà, giờ còn 14 người. Những trường hợp này rơi vào 3 nhóm. Thứ nhất là nhân viên y tế có thể tự chăm sóc sức khỏe. Thứ hai là người chăn nuôi, trồng trọt do nhiều hộ gia đình nuôi bò, heo rất nhiều, nếu họ đi cách ly thì trang trại phải bỏ trống. Thứ ba là phụ nữ có con nhỏ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Huyện Củ Chi là một trong các địa phương đi đầu trong xét nghiệm 3 vòng ở vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng để phát hiện F0 và đưa đi cách ly. Củ Chi cũng có điều kiện khi phần lớn F0 đều được cách ly tập trung, chỉ có hơn 20 trường hợp cách ly tại nhà. Đây là điều kiện tốt mà không phải địa phương nào cũng làm được.
F0 không muốn rời khu cách ly
Ban đầu, công tác vận động F0 đi cách ly rất khó khăn, đặc biệt với nhóm người Khmer. Người Khmer trọ ở Củ Chi rất nhiều để làm việc trong khu công nghiệp. Ban đầu, địa phương muốn đưa về khu cách ly để chăm sóc, họ không đồng ý vì truyền thống của họ là không muốn sống xa cộng đồng.
Thậm chí, có trường hợp khi đưa lên khu cách ly của thành phố thì không chịu xuống xe và bắt tài xế chở họ quay về. Huyện phải tiếp tục vận động nhiều lần họ mới đồng ý về khu cách ly.
Sau đó, một số F0 đi cách ly về, được huyện chăm sóc tốt, khỏi bệnh nhanh thì truyền tai nhau là đi cách ly “giống y như ở khách sạn”, được ăn ngon, uống nước chanh, uống thuốc chăm sóc sức khỏe. Nhờ đó, công tác vận động của huyện không khó khăn nữa.
Về thể chất, ngoài đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng, huyện phân công giáo viên hàng ngày pha nước chanh – sả cho F0 uống, cấp thuốc, vitamin C, xuyên tâm liên và một số dược liệu. Huyện phát muối cho F0 rồi hướng dẫn pha để súc rửa mũi, họng nhằm giảm sự sinh sôi, nảy nở của virus trong cơ thể của F0.
Để tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng cho F0, huyện cho họ sinh hoạt theo một “đồng hồ sinh học”. Tình nguyện viên mỗi sáng đều mở nhạc, ra nhảy cùng F0, hướng dẫn họ tập thể dục, phơi nắng. Tối thì tổ chức đi dạo, một thời điểm chỉ cho 3-4 phòng cùng ra ngoài, đảm bảo giãn cách, đeo khẩu trang.
Về mặt tinh thần, huyện chuyển hệ thống loa để mở cho F0 nghe những bản nhạc sôi động, kích thích sự yêu đời, tinh thần sảng khoái. Mỗi ngày đều tuyên truyền F0 sáng nên dậy vào mấy giờ, tập thể dục, phơi nắng thế nào, ăn ngủ điều độ ra sao.
Thuốc xuyên tâm liên được huyện đưa vào sử dụng từ giữa tháng 7, từ khi dùng thuốc này, bệnh nhân xuất viện rất nhanh và tỷ lệ trở nặng thấp. Ví dụ trước đây, F0 phải mất 14-20 ngày mới âm tính, sau khi uống thuốc, thời gian giảm chỉ còn 7 ngày, có trường hợp 3 ngày đã sạch virus.
Có F0 vào khu thu dung rồi thì không muốn đi đâu nữa. Tỷ lệ F0 chuyển nặng của huyện rất thấp, cuối tháng 8, tỷ lệ này chỉ khoảng 1%. Sau đó, do một khu dưỡng lão ở Bình Mỹ nhiễm bệnh nên tỷ lệ chuyển nặng tăng lên, khoảng 3,5%. Huyện chưa có trường hợp nào tử vong tại khu dân cư, khu cách ly, bệnh viện dã chiến.
Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược Cổ truyền (Bộ Y tế): Trong phác đồ điều trị phối hợp Đông và Tây y, xuyên tâm liên đã chính thức được đưa vào trong vấn đề hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân giai đoạn nhẹ và vừa. Từ trước, bộ đội nước ta dùng rất nhiều. Khi ốm đau, cảm cúm… họ đều dùng xuyên tâm liên và khỏi bệnh. Thái Lan, Trung Quốc và một số nước đã sử dụng xuyên tâm liên và nhận thấy thuốc này có khả năng bất hoạt SARS-CoV-2.
“Giải cứu” nông sản cho dân
Từ đầu tháng 7, TP.HCM xây dựng bản đồ Covid-19. Từ bản đồ này, chúng tôi nghĩ rằng phải làm bản đồ an sinh để thông qua đó, người dân gặp khó khăn có thể phản ánh với chính quyền để trợ giúp. Bên cạnh đó, người dân có thể giám sát tình hình hỗ trợ cho người dân của chính quyền. Bản đồ này giúp chúng tôi vừa nắm rõ nhu cầu của từng người dân, vừa phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân.
Nhằm phát huy sự chủ động, tham gia của người dân để mỗi người thật sự là một chiến sĩ, cuối tháng 6, huyện chỉ đạo tổ nhân dân/ấp thông qua nhóm Zalo thống nhất với người dân để bổ sung một số quy định phòng chống dịch vào hương ước, quy ước. Ví dụ, quy định 5K, 5T (Tuân thủ nghiêm 5K – Thực phẩm đủ tại nhà – Thầy, thuốc đến tại gia – Test Covid-19 tất cả – Tiêm chủng tại phường, xã)… Nếu người dân đã thống nhất thì sẽ thực hiện nghiêm hương ước, quy ước, giám sát chính hàng xóm của mình.
Trong giai đoạn giãn cách, với phương châm lấy sức dân lo cho dân, huyện kết hợp “đi chợ hộ” với “giải cứu nông sản” cho người dân. Ví dụ, hợp tác xã rau Nhuận Đức tồn 5.000 tấn bí hoặc rau thì huyện đưa thông tin về các xã để tổ chức phân bổ, “giải cứu” hết. Hay heo của hộ nông dân nào tới lứa phá bầy, huyện cũng đưa thông tin để xem mỗi xã đăng ký bao nhiêu con rồi chia theo nhu cầu người dân.
Huyện cũng phải cân đối giữa “giải cứu” nông sản cho người dân và phân phối hàng hóa trong siêu thị. Tuy nhiên, nông dân là ưu tiên hàng đầu vì trong đại dịch, người dân khó khăn nhất.
Thật ra, khi đưa ra bất kỳ quyết sách nào, tôi cũng rất hồi hộp, kể cả tiếp tục xét nghiệm ở Củ Chi; khi hứa giữ vùng xanh cho thành phố; hay đưa xuyên tâm liên vào điều trị cho F0. Dịch bệnh nhiều việc nằm ngoài ý kiến chủ quan của mình, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Điều quan trọng là thành phố có chỉ đạo những giải pháp phù hợp để huyện căn cứ vào đó thực hiện, như chia khu vực xanh, vàng, cam, đỏ. Nếu thành phố không có quyết sách thì Củ Chi cũng không làm được gì.
Cùng với đó, tôi luôn ý thức rằng nhân dân làm gốc, sức mạnh của nhân dân là sức mạnh to lớn nên phải dựa vào đó mới chống dịch hiệu quả, còn nếu chỉ có hệ thống chính trị mà không có sự tham gia của nhân dân thì không thể nào thành công được.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Huyện Củ Chi có nhiều sáng kiến như bản đồ an sinh xã hội, theo dõi việc chăm lo tới từng hộ dân, từng người dân. Huyện cũng tổ chức được lực lượng đi chợ giúp dân gắn với tiêu thụ nông sản do nông dân làm ra. Đó chính là sự sáng tạo “một công hai việc” mà không phải ở nơi nào cũng làm được. Đây là điểm sáng thể hiện sự năng động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao đối với người dân