Tìm kế sách phát triển phía Tây TPHCM: Sẵn sàng đón nhận đầu tư
Địa phận xã Trung An, huyện Củ Chi, TPHCM nằm ngay bờ sông Sài Gòn rất lợi thế cho các dự án đầu tư.
- Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC):
Hàng loạt dự án lớn hướng về Tây Bắc
Với nguồn nhân lực dồi dào, điều kiện thiên nhiên thuận lợi, ít bị ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, huyện Củ Chi và Hóc Môn sẽ trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà đầu tư. Khi mời gọi đầu tư vào khu đô thị phía Tây gồm huyện Củ Chi và Hóc Môn, TPHCM kỳ vọng đón nhận sự đầu tư tạo nên khu đô thị sinh thái và hiện đại bậc nhất khu vực.
Là địa bàn cửa ngõ kết nối các đô thị trong vùng TPHCM với tỉnh Long An, Tây Ninh và Bình Dương, hiện nay huyện Hóc Môn và Củ Chi đang có “nút thắt” lớn nhất chính là giao thông. Vì thế, các dự án về hạ tầng giao thông - kỹ thuật được trọng tâm thu hút đầu tư. Có các dự án quan trọng, nổi bật: tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh), đường trên cao số 5. Song song với các dự án quan trọng về đường bộ, với vị trí địa lý đặc thù của 2 huyện thì dự án giao thông đường thủy cũng được chú trọng.
Ngoài ra, có 12 dự án chỉnh trang đô thị, xây dựng khu dân cư, đô thị mới tập trung tại 2 huyện. Trong các dự án về nông nghiệp, có dự án xây dựng và đầu tư khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, khu nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn. Các khu thương mại dịch vụ giải trí, lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao cũng được chú trọng với nhiều dự án mời gọi.
- Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi:
Tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư
Huyện Củ Chi có nhiều tiềm năng nội sinh và ngoại sinh đã và đang tạo sức bật cho huyện. Hiện nay, khi diện tích đất dành cho các dự án lớn và siêu lớn của các nhà đầu tư dần thu hẹp ở các khu vực giáp ranh thì ở Củ Chi vẫn còn khá lớn. Điều này giúp cho các dự án lớn và siêu lớn có sự đầu tư tập trung, không bị manh mún. Huyện Củ Chi luôn trong tâm thế sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đến với huyện trên cơ sở khơi dậy và khai thác các tiềm năng với mục đích cùng phát triển.
Đồng hành với nhà đầu tư, huyện sẽ cung cấp đầy đủ thông tin, trực tiếp hướng dẫn giới thiệu các vị trí, diện tích, hiện trạng, quy hoạch, các hộ dân và nhân khẩu bị ảnh hưởng… Đồng thời, nhanh chóng tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho chủ đầu tư được giao dự án. Huyện cũng tạo cơ chế thông thoáng giải quyết nhanh các thủ tục hành chính liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và các thủ tục thuộc thẩm quyền của huyện.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều dự án kéo dài trên địa bàn huyện: Dự án Safari, Khu công viên giải trí quốc tế Củ Chi, Dự án sân golf, khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi mở rộng… Huyện rất mong muốn đẩy nhanh tiến độ các dự án, tránh gây lãng phí tiềm lực về đất đai. Qua đó, tạo ra nhiều giá trị để người dân được nhìn thấy, được thụ hưởng sự phát triển của Củ Chi từng ngày, từng giờ. Không nên để các doanh nghiệp “chiếm” đất gây lãng phí, không thực hiện dự án mà bán dự án cho các đơn vị khác rồi tiếp tục “treo”. Đối với các trường hợp này, cần thiết thu hồi dự án để giao lại cho các doanh nghiệp có năng lực và tâm huyết đầu tư.
- Ông Trần Văn Khuyên, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn:
Nên thu hồi dự án “treo” kéo dài, giao cho nhà đầu tư mới
Hóc Môn có vành đai các sông ôm từ phía Đông sang phía Tây rất đẹp. Nếu phát triển đô thị thì sẽ lý tưởng: vừa là trên bến dưới thuyền, vừa buôn bán hàng hóa, vừa phát triển du lịch… Chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư uy tín, năng lực, kinh nghiệm để phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai trên địa bàn huyện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Huyện luôn tạo điều kiện cho nhà đầu tư khảo sát, tiếp cận thông tin đầy đủ, thuận lợi nhất để đưa ra phương án đầu tư tối ưu.
Huyện Hóc Môn có một số dự án quy hoạch kéo dài không hiệu quả cần được thu hồi để giao cho các nhà đầu tư mới có năng lực thực hiện. Huyện đang gặp vướng mắc lớn hiện nay về công tác quy hoạch. Trên địa bàn huyện có những khu vực có đến… 4 lớp quy hoạch. Hết lớp này đến lớp kia, không vướng lớp này thì vướng lớp kia. Hiện nay, Hóc Môn còn 45% diện tích đất vướng quy hoạch. Một mét vuông đất ở TPHCM là bao nhiêu tiền mà cứ quy hoạch treo vậy, có phải là hoang phí nhiều năm nay không? Vì thế, cần giải phóng nguồn lực đất đai; tạo điều kiện cho người dân, cho tổ chức, doanh nghiệp khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai của thành phố để phát triển.
- PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM:
Cần có môi trường thuận lợi, cải cách thực chất và chi phí thấp
Để thu hút được các nhà đầu tư vào huyện Củ Chi và Hóc Môn, TPHCM cần kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cải cách hành chính một cách thực chất và quan tâm cải thiện hạ tầng giao thông kết nối... Để không lãng phí thời gian và cơ hội của nhau, TPHCM cần chuẩn bị sẵn đất sạch cho nhà đầu tư thuê với giá cạnh tranh và nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư… Không nên để tình trạng nhà đầu tư vào rồi lại “mắc cạn” vì đợi di dời, giải tỏa, giải phóng mặt bằng. Ngược lại, TPHCM cần chọn lọc nhà đầu tư có công nghệ cao, tiên tiến hiện đại, ưu tiên doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu trong nước và có kết nối với doanh nghiệp trong nước.
Cũng cần lưu ý, địa bàn Hóc Môn và Củ Chi có không ít dự án quy hoạch kéo dài cả chục năm nay. Một số dự án tiếp tục được kêu gọi đầu tư trong đợt này. Vì thế, TPHCM cần đẩy nhanh hiệu quả của tổ xúc tiến đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư các thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc nếu có.
Theo quy hoạch chung xây dựng TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, Khu đô thị Tây Bắc được định hướng trở thành một trong những đô thị vệ tinh với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ về phía Tây Bắc của TPHCM. Tuy nhiên, thời gian qua, việc kêu gọi đầu tư vào Khu đô thị Tây Bắc chưa được như mong muốn do một số nội dung quy hoạch chưa phù hợp, như chỉ tiêu quy mô dân số theo quy hoạch khoảng 300.000 người đến năm 2025 là rất thấp cho một khu vực rộng, khó đáp ứng tính chất đô thị, không hiệu quả trong thu hút đầu tư cũng như hiệu quả sử dụng đất đai chưa cao.
Trước bất cập này, TPHCM đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố tổ chức điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 toàn Khu đô thị Tây Bắc với quy mô dân số là 600.000 người, tăng 300.000 người so với chỉ tiêu quy hoạch trong đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM đề cập ở trên. Nếu đề xuất trên được chấp thuận thì Khu đô thị Tây Bắc sẽ có cơ sở và sức hút hơn với nhà đầu tư, qua đó sớm trở thành khu đô thị vệ tinh của thành phố.
Ngoài ra, để tập trung nguồn lực cho phát triển các đô thị vệ tinh, trong đó có đô thị vệ tinh Tây Bắc, TPHCM cần kiên quyết giảm xây mới các công trình dự án lớn về văn hóa - xã hội, giảm các cao ốc tại khu vực nội thành, nhất là khu trung tâm. Thay vào đó, từng bước dịch chuyển phát triển các công trình dự án lớn ra các đô thị vệ tinh. Điều này giúp TPHCM từng bước giãn dân, giảm tập trung dân số ở khu vực trung tâm và thúc đẩy phát triển cân bằng ở các đô thị vệ tinh, vùng ven.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi:Mong muốn thu hút được nhà đầu tư có năng lực Lần đầu tiên tổ chức mời gọi đầu tư quy mô lớn vào 2 huyện Hóc Môn và Củ chi, TPHCM mong muốn thu hút được những nhà đầu tư thực sự có năng lực đến quan tâm đầu tư phát triển khu vực rất có tiềm năng này theo chiến lược, theo quy hoạch của TPHCM. Thành phố chú trọng thực hiện chính sách chung về ưu đãi đầu tư và tiếp tục đồng hành cùng với các nhà đầu tư, doanh nghiệp; tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để các nhà đầu tư, doanh nhân yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh. |
Tin tức khác
- CEO Savills Global: Bất động sản Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn và hồi phục tích cực cuối năm 2023
- Thị trường bất động sản Việt Nam: Sốt giá nhưng chưa bao giờ vỡ bong bóng
- TP.HCM đã có nhà đất 500 tỷ, căn hộ hạng sang 100 tỷ đồng
- Phát triển khu vực Tây Bắc TPHCM trở thành khu đô thị sinh thái, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao